• (+84) 028 3724 4270 - Ext.: 3233
  • biotech@hcmiu.edu.vn
  • Kp. 6, Linh Trung, Thu Duc, Ho Chi Minh city
NGHIÊN CỨU
Công trình nghiên cứu mới nhất về khả năng kháng ung thư của hợp chất tách chiết từ nấm nhầy

Công trình nghiên cứu mới nhất về khả năng kháng ung thư của hợp chất tách chiết từ nấm nhầy

Nhắc đến nấm nhầy, chúng ta thường dễ lầm tưởng chúng cũng là thành viên của giới nấm (Fungi). Tuy nhiên, đây là động vật nguyên sinh. Về phân loại học, chúng được xếp vào giới Protista. Nấm nhầy thường được biết đến bởi khả năng tạo những thể quả vô cùng đẹp và cấu trúc giống khối nhầy (plasmodium) trong vòng đời. Plamodium của nấm nhầy thực chất là một tế bào khổng lồ, không có thành tế bào và chứa rất nhiều nhân. Plasmodium, do đó, không có hình dáng nhất định. Plasmodium có khả năng di chuyển và “săn” vi khuẩn hoặc các mảnh vụn thực vật; khi gặp thức ăn Plasmodium sẽ nuốt lấy theo kiểu thực bào, giống như Pacman (!). Mặc dù không có não, nhưng nấm nhầy/plasmodium luôn có khả năng tìm ra con đường ngắn nhất để tìm tới nguồn thức ăn. Hiện tượng này đã được nghiên cứu một cách khoa học và một vài loài nấm nhầy (Physarum polycephalum) đã được chứng minh là những “kỹ sư tốt nhất VD. chỉ mất vài tiếng để P. polycephalum tìm ra cách kết nối thành phố Tokyo (nơi đặt nấm nhầy) với các khu vực lân cận (nơi đặt thức ăn) một cách hiệu quả không kém gì công trình thiết kế đường sắt kết nối Tokyo với các cùng lân cận của các kỹ sư đường sắt của Nhật Bản thực hiện trong vòng nhiều năm.

Nấm nhầy Physarum polycephalum

Hiện nay, chưa có nhiều nghiên cứu tập trung vào nhóm sinh vật đặc biệt này, cụ thể là những tiềm năng ứng dụng từ nấm nhầy. Gần đây, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Hạnh cùng các thành viên nhóm nghiên cứu về nấm nhầy (BM. Công nghệ sinh học – Khoa Công nghệ sinh học, ĐH Quốc tế) vừa công bố những kết quả nghiên cứu mới về các chất có hoạt tính sinh học từ nấm nhầy. Các thành viên trong nhóm đã nuôi cấy nấm nhầy P. polycephalum trong môi trường lỏng, thu sinh khối (biomass) và dịch nuôi cấy (culture broth), sau đó tách chiết hợp chất đường đa (Polysaccharide) từ các mẫu. Kết quả nghiên cứu của nhóm cho thấy polysaccharides nội bào (intracellular polysaccharide: IPS, thu từ sinh khối) và polysaccharide ngoại bào (exopolysaccharide: EPS, từ dịch tiết ra của nấm nhầy) có thành phần hóa học khác nhau, do đó, chúng có khả năng khác nhau trong việc kháng lại tế bào ung thư. Nghiên cứu cho thấy IPS thu nhận từ nấm nhầy có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư vú (MCF-7) và ung thư cổ tử cung (HELA) khá hiệu quả. Ngoài ra, hợp chất này không có tác dụng xấu lên tế bào khỏe mạnh bình thường. Kết quả nghiên cứu cho thấy tiềm năng của hợp chất này trong việc điều trị ung thư, kết quả của nghiên cứu sẽ là cơ sở dữ liệu cho những nghiên cứu sâu hơn về điều trị ung thư.

Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí “BMC- Biotechnology”. Đây là tạp chí xếp hạng Q2 với chỉ số ảnh hưởng IF =2.387 (2020), và nằm trong top những tạp chí uy tín thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học.

Tham khảo:  Do, T.T.H., Lai, T.N.B., Stephenson, S.L., Tran, H.T.M. Cytotoxicity activities and chemical characteristics of exopolysaccharides and intracellular polysaccharides of Physarum polycephalum microplasmodia. BMC Biotechnol 21, 28 (2021).

Liên kết của bài báo: https://doi.org/10.1186/s12896-021-00688-5